Giấu trạm BTS giả trong ô tô để phát tán tin nhắn lừa đảo

Thế Anh

(Dân trí) - Các trạm BTS giả là công cụ giúp cho những đối tượng lừa đảo phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo.

Đầu tháng 4, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I (Trung tâm I), thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, đã nhận được thông tin có dấu hiệu của thiết bị giả lập trạm thu phát sóng di động (BTS giả) trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Giấu trạm BTS giả trong ô tô để phát tán tin nhắn lừa đảo - 1

Thiết bị BTS giả được đặt bên trong ô tô và di chuyển liên tục (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).

Theo đó, Trung tâm I đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội, sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật để xác định nguồn phát sóng BTS giả mạo.

Việc theo dõi, bắt quả tang đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn, phức tạp do đối tượng đặt thiết bị này trên ô tô và di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện.

Đến 22h30 ngày 5/4, cơ quan chức năng đã bắt giữ được đối tượng người nước ngoài sử dụng thiết bị BTS giả mạo truy cập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Theo thông tin từ Cục Tần số vô tuyến điện, chỉ trong vài tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã bắt giữ tổng cộng 3 vụ phát sóng trạm BTS giả trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, 1 vụ đã hoàn thiện hồ sơ truy tố và 2 vụ đang mở rộng điều tra.

Trước đó, vào đầu tháng 3, lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ được một đối tượng sử dụng thiết bị thu phát sóng di động giả mạo nhà mạng để phát tán tin nhắn lừa đảo tại địa bàn TPHCM.

Người này cho biết bản thân đã nhận được thiết bị từ một người khác gửi từ nước ngoài về. Đối tượng này chịu trách nhiệm vận hành với mục đích giả mạo các nhà mạng di động phát tán tin nhắn SMS trên địa bàn.

Để che giấu hành vi, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn như sử dụng thiết bị kích thước nhỏ giấu kín trong ba lô, dùng xe gắn máy di chuyển nhanh qua nhiều tuyến đường đông đúc, hoạt động vào các khung giờ cao điểm.

Giấu trạm BTS giả trong ô tô để phát tán tin nhắn lừa đảo - 2

Các trạm BTS giả là công cụ giúp cho những đối tượng lừa đảo phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo (Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện).

Các trạm BTS giả là công cụ giúp cho những đối tượng lừa đảo phát tán tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Theo đó, sóng của các trạm BTS giả sẽ đè lên sóng của nhà mạng. Trong khoảng cách 100m, các thiết bị di động sẽ kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo thay vì kết nối với các nhà mạng.

"Những trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn một phút và 80.000-100.000 tin nhắn mỗi ngày. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh trang web của ngân hàng để lừa đảo", đại diện Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ.