1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bangkok Post: Trung Quốc đồng ý bán tàu nổi nếu Thái Lan không mua tàu ngầm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Thái Lan cho biết, Trung Quốc dường như đã đồng ý sẽ bán tàu nổi cho Bangkok nếu như quốc gia Đông Nam Á quyết định không mua tàu ngầm của Bắc Kinh.

Bangkok Post: Trung Quốc đồng ý bán tàu nổi nếu Thái Lan không mua tàu ngầm - 1

Mẫu tàu ngầm mà Trung Quốc ký hợp đồng đóng và bán cho Thái Lan (Ảnh: Bangkok Post).

Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Hải quân Thái Lan cho biết, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý về mặt nguyên tắc nhằm cung cấp 2 tàu tuần tra hoặc 1 khinh hạm cho hải quân Thái Lan để thay thế cho thương vụ mua tàu ngầm đang bị đình trệ. 

Nguồn tin hôm 28/3 cho biết, thỏa thuận đã được thống nhất trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sutin Klungsang tới Trung Quốc. Phái đoàn của ông gồm có Tổng tư lệnh hải quân Adm Adung Phan-iam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Jakkapong Sangmanee. 

Theo nguồn tin, Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị của Thái Lan mua 2 tàu tuần tra ngoài khơi hoặc 1 khinh hạm, thay vì 1 tàu ngầm như hợp đồng ký năm 2017. Việc thanh toán cho thỏa thuận này sẽ được thực hiện bằng khoản trả góp mua tàu ngầm của hải quân trong 6 năm qua, với tổng trị giá 8 tỷ baht (219 triệu USD). 

Tháng 10 năm ngoái, Thái Lan cho biết nước này có thể mua tàu hộ vệ thay vì tàu ngầm từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh không thể dùng động cơ của Đức như thỏa thuận ban đầu. Vào thời điểm đó, Bangkok nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc về đề xuất từ phía Thái Lan.

Năm 2017, Thái Lan đã ký thỏa thuận mua chiếc tàu ngầm đầu tiên trong đơn hàng 3 chiếc tàu ngầm lớp Yuan S26T với động cơ diesel do Đức sản xuất với giá 13,5 tỷ baht (373,55 triệu USD). Thái Lan đã trả góp được hơn một nửa giá trị hợp đồng.

Đơn đặt hàng cho 2 tàu ngầm còn lại đã được Quốc hội Thái Lan phê duyệt vào năm 2020 với chi phí 22,5 tỷ baht.

Tuy nhiên, thỏa thuận mua tàu ngầm đã bị trì hoãn sau khi Đức cấm sử dụng động cơ của họ trong các sản phẩm quốc phòng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đề xuất thay thế động cơ của Đức bằng thiết bị do Trung Quốc sản xuất, nhưng nhiều vòng đàm phán không mang lại kết quả.

Nếu đơn hàng bị thay đổi từ tàu ngầm sang tàu nổi, nó sẽ gây ra mối lo ngại đối với Công ty đóng tàu và ngoài khơi quốc tế Trung Quốc (CSOC), bên đang đóng chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Thái Lan theo hợp đồng. Chiếc tàu ngầm được cho là đã hoàn thành được 50%.

Theo Bangkok Post