1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc báo động sau các vụ bạo lực học đường gây "bão" dư luận

CTV

(Dân trí) - Chính quyền Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn nạn bắt nạt học đường sau một loạt các vụ việc gây chấn động dư luận trong thời gian qua.

Trung Quốc báo động sau các vụ bạo lực học đường gây bão dư luận - 1

Chính quyền Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường sau các vụ việc vừa qua (Ảnh minh họa: Reuters).

Sau nhiều các vụ việc gần đây, bao gồm vụ sát hại một nam sinh 13 tuổi và hành hung nữ sinh 14 tuổi gây chấn động dư luận, giới chức Trung Quốc cam kết xử lý nghiêm các trường hợp bắt nạt học đường. 

Theo báo chí địa phương, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã cùng với Bộ Công an và các ban ngành nước này đang tiến hành "kiểm tra toàn diện" các trường tiểu học và trung học cơ sở nhằm xác định, ngăn chặn, và xử lý nạn bạo lực học đường. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm kiểm tra, thanh tra, kỷ luật và tăng cường giám sát, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bắt nạt, bổ nhiệm đại sứ chống bắt nạt trong cộng đồng trường học và tập trung theo dõi sức khỏe tâm lý của học sinh. 

Hôm 27/4, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định thời điểm thực hiện các đợt kiểm tra là hoàn toàn hợp lý, trong bối cảnh vấn đề bạo lực học đường đang thu hút sự quan tâm, đặc biệt của dư luận sau hàng loạt vụ việc được truyền thông đưa tin.

"Nhức nhối" nạn bạo lực học đường

Vấn nạn bạo lực học đường ở Trung Quốc rộ lên hồi đầu tháng 3 khi cảnh sát phát hiện thi thể một nam sinh tại khu vườn rau bỏ hoang ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Cuộc điều tra cho thấy nam sinh này bị bạn học sát hại.

Cảnh sát sau đó hé lộ rằng, nạn nhân đã bị bắt nạt trong một thời gian dài. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy thi thể của thiếu niên này có vết thương ở đầu và lưng. Trước khi qua đời, em đã chuyển 191 nhân dân tệ (26,43 USD) cho 1 trong 3 hung thủ. 

Vụ việc đã gây chấn động cả nước, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu danh sách tìm kiếm trên mạng xã hội Sina Weibo và thu hút tới 1,2 tỷ lượt xem, châm ngòi cho gần 100.000 cuộc thảo luận liên quan. Nhiều cư dân mạng phẫn nộ, kêu gọi án tù chung thân cho những thủ phạm. 

Hãng thông tấn nhà nước Xinhua đưa tin, 4 học sinh trong độ tuổi từ 12 đến 13 bị kết án về tội bắt nạt dẫn đến tử vong cho bạn học đều phải nhận mức án tù từ 10 đến 15 năm. 

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng mức án 10 đến 15 năm tù là quá "nhẹ tay" do tội giết người là tội nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc. 

Ngày 23/4, một nữ sinh 14 tuổi ở Trường Sa đã có hành vi tự sát bất thành khi cố tình cứa cổ tay bằng mảnh vỡ thủy tinh. Nạn nhân cho biết trước đó đã bị chính các bạn cùng trường bắt nạt, bạo hành dã man. Nhóm học sinh này đã dùng giày cao gót đánh đập nạn nhân, thậm chí còn dọa dẫm bằng dao. 

Điều đáng nói là kẻ cầm đầu nhóm bạo hành này trước đó đã hành hung nạn nhân 2 lần, thậm chí trong lần gần đây nhất còn quay lại clip cảnh đánh đập nữ sinh để tung lên mạng. 

Một vụ việc khác xảy ra hôm 18/4, trong một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội xuất hiện vụ việc 8 học sinh ở Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị tỉnh Quảng Tây, miền tây Trung Quốc, ép bạn cùng lớp lột đồ trước đám đông. 

"Những đứa trẻ bị bỏ lại"

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng loạt vụ bắt nạt học đường gần đây đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng dễ bị tổn thương của "những đứa trẻ bị bỏ lại".

Thuật ngữ này dùng để chỉ trẻ em ở lại vùng nông thôn khi cha mẹ chúng lên thành phố kiếm sống, giao việc chăm sóc con cái cho ông bà và những người thân khác.

Điều đáng nói là một số lượng đáng kể học sinh liên quan đến các vụ bắt nạt không lớn lên trong gia đình "đầy đủ" hoặc gia đình có cả bố lẫn mẹ. Tháng trước, Tòa án tối cao Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề trẻ em thiếu sự giám sát của phụ huynh. 

Dữ liệu từ Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho thấy, trong 22,9% các vụ án từ năm 2021 đến 2023 liên quan đến tội phạm bạo lực ở trẻ vị thành niên, hung thủ hầu hết là các em lớn lên trong hoàn cảnh thiếu sự quan tâm từ cha mẹ. Có nhiều trẻ đến từ gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, hoặc bố mẹ đã tái hôn. 

Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em và Thanh niên Trung Quốc đã khảo sát hơn 3.000 học sinh dưới 18 tuổi từ năm 2020 đến 2022. Kết quả cho thấy có tới 53,5% học sinh từng bị bắt nạt ở trường. Điều đáng lo ngại là chỉ có 20,3% trong số này báo cáo sự việc với giáo viên, nhà trường hoặc phụ huynh nếu tình trạng bắt nạt tiếp diễn lần thứ 2. 

Chị Niu Juyi, 37 tuổi, kế toán viên ở Bắc Kinh, rất lo lắng về vấn nạn bắt nạt học đường khi chị có cậu con trai 11 tuổi. Chị chia sẻ rằng: "Các bậc phụ huynh chúng tôi đều rất bất an trước những vụ bắt nạt học đường".

Chị Niu cho biết thêm, mỗi khi đọc tin về bạo lực học đường, chị đều tâm sự và dặn dò con trai. Chị khuyến khích con tin tưởng, chia sẻ mọi vấn đề gặp phải ở trường, kể cả những rắc rối trong mối quan hệ với bạn bè.

"Ngoài ra, việc phụ huynh quen biết với bố mẹ các bạn cùng lớp của con cũng rất quan trọng. Đôi khi, qua lời kể của các bạn khác, chúng ta có thể nắm được tình hình của con mình".  Theo chị, phương pháp này đã từng giúp đỡ các bạn cùng lớp của con trai chị thoát khỏi tình trạng bị bắt nạt.

Một bà mẹ đơn thân ở Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, kể rằng cô con gái 16 tuổi của bà đã từng bị bắt nạt ở trường cách đây vài năm chỉ vì không sống chung với bố.

"Lúc đầu, tôi bảo con gái cứ mặc kệ những lời ác ý đó, nhưng rồi một hôm con bé khóc lóc chạy về, nói đã phản ứng lại và bị tát. Nghe vậy, tôi tức giận và đến trường để khiếu nại với hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và cả phụ huynh của đứa trẻ kia".

"Tôi thực sự nhẹ nhõm vì mọi chuyện không đi quá xa, nhưng vẫn mang trong lòng một nỗi ân hận vì đã không can thiệp mạnh mẽ hơn khi con bé lần đầu chia sẻ về việc bị bắt nạt", bà cho biết.

Huyền Trang

Theo Straits Times