1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Chanathip có giá gần gấp đôi toàn bộ đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Theo trang web chuyên định giá cầu thủ trên khắp thế giới Transfermarkt, giá trị chuyển nhượng của Chanathip Songkrasin hiện vào khoảng 2,4 triệu euro. Con số này cao hơn gần gấp 2 lần giá trị chuyển nhượng của toàn bộ đội tuyển Việt Nam.

So với kỳ chuyển nhượng hồi đầu mùa, tại kỳ chuyển nhượng giữa mùa đang diễn ra (chiếu theo lịch thi đấu của bóng đá châu Âu), giá trị chuyển nhượng của “Messi Thái” đã tăng lên, từ 2,2 triệu euro lên 2,4 triệu euro.

Riêng ở mùa giải 2019, trong 28 trận đấu dưới màu áo CLB Consadole Sapporo (Nhật), Chanathip Songkrasin ghi được 4 bàn thắng và thực hiện 7 đường chuyền thành bàn cho đồng đội.

Chanathip có giá gần gấp đôi toàn bộ đội tuyển Việt Nam - 1
Chanathip Songkrasin có giá cao gần gấp đôi giá trị chuyển nhượng của toàn bộ đội tuyển Việt Nam, theo định giá của Transfermarkt

Điều đáng chú ý khác nằm ở chỗ, giá trị chuyển nhượng hiện tại của Chanathip Songkrasin cao gần gấp đôi giá trị chuyển nhượng của toàn bộ đội tuyển Việt Nam. 

Người cao giá nhất bên phía đội tuyển Việt Nam, theo định giá của Tranfersmarkt là thủ thành Đặng Văn Lâm, với mức giá chuyển nhượng hiện vào khoảng 300.000 euro, tức chỉ bằng 1/8 giá trị chuyển nhượng của “Messi Thái”.

Trong khi đó, “Messi Việt Nam” là Nguyễn Công Phượng vốn là cầu thủ Việt Nam đắt giá thứ 2 trên thị trường chuyển nhượng hiện nay có giá khoảng 200.000 euro, bằng 1/12 so với “Messi Thái”. 

Toàn bộ giá trị chuyển nhượng của đội tuyển Việt Nam hiện nay, theo ước tính của Transfermarkt, vào khoảng 1,4 triệu euro, kém rất xa so với giá trị chuyển nhượng của đội Thái Lan, có mức giá tổng cộng hiện vào khoảng 9,43 triệu euro. 

Ngoài Chanathip Songkrasin có giá 2,4 triệu euro, đội bóng đất Chùa Vàng có Theerathon Bunmathan có giá 1 triệu euro, hoặc Teerasil Dangda có giá khoảng 900.000 euro.

Sở dĩ cầu thủ Thái Lan cao giá hơn rất nhiều so với cầu thủ Việt Nam, dù chuyên môn của họ chưa chắc đã tốt hơn, xuất phát từ chỗ bóng đá Thái Lan làm hình ảnh, làm thương hiệu tốt hơn hẳn bóng đá Việt Nam. Các CLB Thái Lan hoạt động theo đúng nghĩa mô hình của những doanh nghiệp, tuân theo quy luật thị trường.

Trong khi đó, các CLB của bóng đá Việt Nam chỉ hoạt động trên danh nghĩa là doanh nghiệp, chứ thực chất vẫn phải sống nhờ “bầu sữa” của các ông bầu, hoặc của các địa phương. Khâu tiếp thị hình ảnh của bóng đá Việt Nam, quan hệ với truyền thông… từ chính những nhà quản lý bóng đá Việt Nam thua xa khâu này ở Thái Lan.

Thiện Nhân