GS.NSND Tạ Bôn - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam - qua đời

Hương Hồ

(Dân trí) - Nhạc sĩ Tạ Tuấn, nguyên GĐ NXB Âm nhạc (Dihavina), xác nhận với phóng viên Dân trí anh trai của ông - GS.NSND Tạ Bôn - qua đời lúc 21h5 ngày 19/4 tại TPHCM vì bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 83 tuổi.

GS.NSND Tạ Bôn sinh năm 1942 tại Thường Tín, thuộc Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) trong một gia đình làm nghệ thuật.

Từ nhỏ, ông đã học violin từ người cha là nhạc sĩ Tạ Phước - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Âm nhạc Việt Nam (1956) tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay và là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ người Việt Nam đầu tiên chơi các nhạc cụ phương Tây.

GS.NSND Tạ Bôn - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam - qua đời - 1

GS. NSND Tạ Bôn (Ảnh: Gia đình cung cấp).

GS.NSND Tạ Bôn là một trong số ít những giáo sư về violon của Việt Nam. Năm 1954, lúc 12 tuổi, ông đã đi du học trung cấp âm nhạc khoa violon ở Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc.

Năm 1958, ông đi thi Concours violon Enescu tại Bucharest (Romania) và nhận được bằng danh dự Diplome. Ông là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự một concours âm nhạc quốc tế.

Cũng trong năm đó, sau khi tốt nghiệp trung cấp Nhạc viện Bắc Kinh, ông tiếp tục được cử sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Nga. Lúc đó, Việt Nam chỉ có hai sinh viên được học ở nhạc viện danh tiếng này là Tạ Bôn và nghệ sĩ Trọng Bằng.

Năm 1962, ông nhận huy chương bạc violon tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới tổ chức ở Helsinki ( Phần Lan).

Năm 1964, ông về nước, giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội sau này và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam ngày nay) lúc đó đang sơ tán ở Hà Bắc.

Từ năm 1965 đến 1968, ông làm nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Tchaikovsky. Năm 1968, ông trở về giảng dạy violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Cùng với GS Bích Ngọc và các giảng viên khác, nghệ sĩ Tạ Bôn đã góp phần xây dựng, giảng dạy nhiều thế hệ nghệ sĩ violon ở ngôi trường này.

Những học trò của ông nhiều người đã thành danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, có thể kể đến như Đỗ Phượng Như (giải nhì cuộc thi violon quốc tế tại Đức năm 1990, giải nhì tại Pháp, giải nhất tứ tấu tại Leningrad), Tạ Đôn (Nhà giáo Ưu tú, Hiệu phó Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội), Đỗ Xuân Tùng (Trưởng phòng Đào tạo Nhạc viện Hà Nội), Nguyễn Anh Giang (Trưởng bộ môn violon Nhạc viện TPHCM)...

Vào các năm 1978, 1982 và 1986, ông được mời làm giám khảo cuộc thi quốc tế P.I Tchaikovsky - một trong những cuộc thi hàng đầu thế giới. Ông còn được mời làm giám khảo cuộc thi Bach (Đức) năm 1980, 1984 và cuộc thi Sarasate (Tây Ban Nha) năm 2007.

Ngay từ khi còn là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky cho đến nhiều năm sau này, GS.NSND Tạ Bôn luôn ở vị trí nghệ sĩ độc tấu quốc gia. Ông đã biểu diễn tại nhiều nước như: Cuba (1966), Liên Xô cũ (1985), Bulgaria, Hungaria, Tiệp Khắc (1986).

GS.NSND Tạ Bôn là nghệ sĩ độc tấu violin trong các chương trình hòa nhạc cùng các nghệ sĩ nổi tiếng khác như: Bùi Gia Tường, Trung Kiên, Đặng Thái Sơn, Lê Dung, Tôn Nữ Nguyệt Minh.

Ông từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc như: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Moscow, Dàn nhạc Thính phòng Nhạc viện Tchaikovsky, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng TPHCM…

Ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư (1980), Giáo sư (1991), danh hiệu NSƯT (1993) và NSND (2001).

Ngoài biểu diễn, GS.NSND Tạ Bôn vẫn thường xuyên tham gia giảng dạy. Giai đoạn năm 1979-1988, ông làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1994, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng và Chỉ đạo âm nhạc cho Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) cho đến 2007. Sau đó, ông làm cố vấn nghệ thuật cho HBSO.

GS.NSND Tạ Bôn - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam - qua đời - 2

Gia đình GS.NSND Tạ Bôn (Ảnh: Họ Tạ Việt Nam).

Năm 2009, với đêm hòa nhạc Tạ Bôn - Giai điệu thời gian (diễn ra vào ngày 7/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), GS.NSND Tạ Bôn đã nói lời giã từ sân khấu sau hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc hàn lâm của Việt Nam.

Chương trình đã mang đến các tác phẩm kinh điển được viết cho violin và dàn nhạc của các nhà soạn nhạc nổi tiếng: César Franck, K.Gluck, B.Bartok, W.Mozart, G.Delerue, Mao Wen, với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam, chỉ huy Honna Tetsuji và nữ nghệ sĩ piano Lý Giai Hoa.

Trong chương trình mừng sinh nhật lần thứ 65 của GS.NSND Tạ Bôn diễn ra tại Nhà hát TPHCM, con trai Tạ Tôn, con gái Thùy Chi và vợ ông - nghệ sĩ múa Kim Dung - từng góp mặt trong một tiết mục đặc biệt.

GS.NSND Tạ Bôn khi đó từng bộc bạch: "Cuộc đời đã cho tôi quá nhiều hạnh phúc trong sự nghiệp và cuộc sống gia đình, tôi không còn mơ ước điều gì hơn. Gia đình chúng tôi sẽ gắn bó với nghệ thuật đến suốt đời".

Cả 4 người trong gia đình của GS.NSND Tạ Bôn đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Vợ ông là nghệ sĩ múa, NGND Kim Dung, nguyên Phó hiệu trưởng Trường múa TPHCM. Người con trai đầu của ông là nghệ sĩ violin Tạ Tôn, từng 2 lần tham gia dàn nhạc trẻ châu Á.

Tạ Tôn học Nhạc viện San Francisco (Mỹ). Tốt nghiệp loại giỏi, anh tiếp tục học thạc sĩ tại Trường Âm nhạc Moores (thuộc Đại học Tổng hợp Houston Texas, Hoa Kỳ). Hiện nay, Tạ Tôn đã lấy 2 bằng Thạc sĩ âm nhạc và ở lại Mỹ học tiếp Tiến sĩ.

Con gái Tạ Thùy Chi là nghệ sĩ múa tài năng. Cô được đào tạo tại Trường Múa Quảng Đông, Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2002, cô đã vượt qua 400 học sinh của Trường Múa Quảng Đông để đại diện thi cúp Đào Lý (cuộc thi múa chuyên nghiệp toàn Trung Quốc) và đoạt giải diễn viên ưu tú. Hiện tại, Thùy Chi là giảng viên Trường Múa TPHCM.

Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM đang phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam để lên kế hoạch tổ chức lễ tang cho GS.NSND Tạ Bôn.

Lễ viếng bắt đầu lúc 10h tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TPHCM).

Lễ truy điệu lúc 5h30 và lễ động quan lúc 6h ngày 23/4, an táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TPHCM.