1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Bộ GTVT trả lời về cây cầu nối Đắk Lắk - Gia Lai dang dở suốt 6 năm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Cầu 110 nối Đắk Lắk - Gia Lai thi công gần xong thì gặp vướng mắc mặt bằng và bị thu hồi vốn, "treo" gần 6 năm. Cử tri Đắk Lắk kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thi công cây cầu dang dở để phục vụ nhân dân.

Vướng mặt bằng, bị thu hồi vốn

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk liên quan đến dự án cầu 110 tại xã Ea H'leo nối 2 tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cầu 110 để thuận lợi đi lại, khắc phục tiềm ẩn tai nạn giao thông đoạn qua khu vực này.

Bộ GTVT trả lời về cây cầu nối Đắk Lắk - Gia Lai dang dở suốt 6 năm - 1

Cầu 110 nối Đắk Lắk - Gia Lai dang dở gần 6 năm qua (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Bộ GTVT, Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk được Bộ GTVT phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (hoàn thành năm 2015).

Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hạng mục xây dựng cầu 110 mới, bề rộng 9m bên cạnh cầu hiện hữu vào dự án (chi phí khoảng 24 tỷ đồng) thời gian hoàn thành năm 2017.

Bộ GTVT lý giải, trong quá trình triển khai, địa phương chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, không kịp thời bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, mặc dù Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) đã có 14 văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea H'leo và làm việc trực tiếp với địa phương để đôn đốc.

Tuy nhiên, các vướng mắc về giải phóng mặt bằng vẫn không được xử lý dứt điểm dẫn đến hết thời gian thực hiện dự án. Do đó, dự án mới chỉ hoàn thành được khoảng 88%, còn lại khoảng 12%.

Bộ GTVT trả lời về cây cầu nối Đắk Lắk - Gia Lai dang dở suốt 6 năm - 2

Hiện người dân di chuyển trên cây cầu cũ đã có dấu hiệu xuống cấp và mong chờ cây cầu mới hoàn thiện (Ảnh: Thúy Diễm).

"Từ các vướng mắc liên quan tiến độ, thủ tục phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng của địa phương chậm trễ, dẫn đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự án được bố trí từ năm 2016 đã phải kéo dài sang các năm 2017, 2018 và không được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục kéo dài.

Đồng thời, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết toán nguồn vốn của dự án, thu hồi về ngân sách nhà nước và dự án không được đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025", Bộ GTVT nêu rõ.

Nghiên cứu phương án tiếp tục thi công cầu 110

Với đề nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bố trí vốn thi công hoàn thiện cầu 110, Bộ GTVT cho rằng, sẽ tiếp tục rà soát, cân đối bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Tuy nhiên, từ tháng 2/2023 đến nay, Quốc hội chưa có chủ trương cho phép sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ GTVT trả lời về cây cầu nối Đắk Lắk - Gia Lai dang dở suốt 6 năm - 3

Bộ GTVT cho rằng sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Đắk Lắk để nghiên cứu các phương án nhằm hoàn chỉnh cây cầu (Ảnh: Thúy Diễm).

Đối với nguồn tăng thu ngân sách trung ương hàng năm, Chính phủ xác định tập trung cho việc thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, liên vùng và các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên Bộ GTVT chưa cân đối được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện đầu tư.

"Bộ GTVT ghi nhận kiến nghị của cử tri, đây là vấn đề không mong muốn nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm trễ trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu các phương án để đầu tư hoàn chỉnh cầu 110 mới", Bộ GTVT trả lời.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, do dự án đã bị thu hồi vốn nên theo luật đầu tư công phải lập lại dự án đầu tư, có danh mục dự án và phải được Quốc hội thông qua mới được bố trí vốn.

Theo vị đại diện Ban quản lý đường Hồ Chí Minh, đơn vị cũng tính đến giải pháp kêu gọi xã hội hóa, làm việc với nhà thầu, tư vấn giám sát bổ sung cho hợp đồng để triển khai nốt dự án còn dang dở. Tuy nhiên, đang gặp vướng mắc ở vấn đề pháp lý, nếu hoàn thiện cầu sẽ được nghiệm thu, bàn giao ra sao.

"Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện giải pháp để có báo cáo Bộ, vấn đề pháp lý đang gặp vướng. Ban rất mong sớm làm để hoàn thiện cầu 110 đưa vào khai thác, vận hành", vị lãnh đạo Ban quản lý đường Hồ Chí Minh thông tin.

Như Dân trí phản ánh, khi đang triển khai dự án cầu 110, một số hộ dân tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) cản trở không cho thi công vì phân bì giá bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh thấp hơn giá bồi thường cho người huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) là phía bên kia cầu.

Do không có mặt bằng, dự án dang dở và bị thu hồi vốn. Tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần có văn bản đề xuất việc cầu 110 là dự án thuộc Bộ GTVT  nên tỉnh Đắk Lắk không thể trích ngân sách tỉnh ra để thực hiện.

Tỉnh Đắk Lắk mong muốn Bộ GTVT cho ý kiến sẽ bố trí vốn đầu tư công giai đoạn sau để Đắk Lắk sẽ bố trí vốn tạm ứng trước làm cầu hoặc cho ý kiến về vấn đề cho xã hội hóa đối với dự án này.

Được biết, số vốn để hoàn thiện cây cầu 110 chỉ gần 4 tỷ đồng.

 Do bất cập, đến nay cây cầu vẫn chưa được đưa vào sử dụng khiến người dân xót xa vì để cầu dang dở lãng phí.