1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Điều chỉnh tuyến đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội

Thế Kha

(Dân trí) - Tuyến ống truyền dẫn nước sông Đà (mới) về Hà Nội sẽ đi qua các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Dự án do Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ năm 2003, chia làm 2 giai đoạn (mỗi giai đoạn làm 300.000 m3/ngày đêm), gồm 2 tuyến truyền dẫn; chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex.

Năm 2004, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Vinaconex mời các đối tác góp vốn thành lập công ty cổ phần để quản lý, vận hành, khai thác. Sau đó, HĐQT Tổng công ty Vinaconex thành lập Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco).

Điều chỉnh tuyến đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội - 1

Phương án dẫn nước sông Đà về Hà Nội có thay đổi nên chủ đầu tư phải xây dựng báo cáo ĐTM mới, thay thế báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2022 (Ảnh: ĐTM).

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ĐTM năm 2005 với công suất 600.000 m3/ngày đêm chia thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 với công suất 300.000 m3/ngày đêm đã được hoàn thiện và đưa vào vận hành từ năm 2009. Sau đó, dự án bổ sung một số hạng mục cho giai đoạn 2 nên đã được phê duyệt ĐTM điều chỉnh năm 2022.

Tuy nhiên, căn cứ theo hiện trạng thực tế và phương án vận chuyển nước về nhà máy, dự án tiếp tục có sự điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục so với báo cáo ĐTM được duyệt năm 2022.

"Việc thay đổi phương án lấy nước sông Đà làm thay đổi các công trình cấp nước thô của dự án, dẫn đến thay đổi các tác động môi trường đã được đánh giá trong báo cáo ĐTM được phê duyệt năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường", báo cáo cho hay.

Nhà máy xử lý nước được xây dựng tại khu đồi xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).

Tuyến ống truyền dẫn nước về Hà Nội sẽ đi qua các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Điều chỉnh tuyến đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội - 2

Tuyến đường dẫn nước sông Đà về Hà Nội (Ảnh: Thế Kha chụp lại).

Tác động của dự án với việc chiếm dụng đất không đáng kể

Theo báo cáo ĐTM, dự án nằm trong danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để thực hiện đầu tư năm 2023, được HĐND tỉnh Hòa Bình thông qua.

Chủ đầu tư khẳng định không có hộ dân nào phải di dời; dự án không chiếm đất rừng tự nhiên, các đối tượng trên đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm không nhiều.

Chính sách đền bù được chủ dự án thực hiện rõ ràng ngay từ khâu kiểm đếm, đo đạc có sự tham gia trực tiếp của người dân và chính quyền địa phương.

Điều chỉnh tuyến đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội - 3

Đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội dọc theo đường Láng - Hòa Lạc nhiều lần bị vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn tới việc cấp nước sạch cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Chính quyền địa phương đồng ý thỏa thuận đền bù diện tích mất đất theo quy định của pháp luật và địa phương. Dự án không gây ảnh hưởng đến tâm linh, tín ngưỡng của những hộ dân, dòng họ do không có mồ mả phải di dời", báo cáo ĐTM thông tin.

Ngoài ra, chủ đầu tư cho rằng đến thời điểm hiện tại, tác động của dự án đối với việc chiếm dụng đất là không đáng kể.

Quá trình triển khai thực hiện tham vấn cộng đồng của dự án vào tháng 4 vừa qua cũng không nhận được bất kỳ phản hồi tiêu cực nào từ các cấp chính quyền địa phương và những hộ dân bị ảnh hưởng mất đất.

Cấp nước sạch cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội

Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà chủ trì, Công ty TNHH Tư vấn môi trường Việt Khoa tư vấn xây dựng báo cáo ĐTM nêu trên. Theo đó, thời hạn hoạt động của dự án đến hết năm 2053.

Nói về quy trình xử lý nước sạch, báo cáo ĐTM nêu: Nước mặt sông Đà → Buồng thu và phân phối nước → Bể trộn → Bể phản ứng → Bể lắng Lamen → Bể lọc → Bể pha clo → Nước sạch sau xử lý.

Phạm vi cấp nước sạch của dự án bao gồm khu vực dọc Đại lộ Thăng Long thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, quận Nam Từ Liêm (từ vành đai 3 đến vành đai 4); cấp nguồn bổ sung cho khu vực trung tâm Hà Nội, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, một phần huyện Chương Mỹ và cấp bổ sung cho tỉnh Hòa Bình.